Đào, Phở và Piano: Nét chấm phá lãng mạn nơi chiến tranh tàn khốc
Đào, Phở và Piano là bộ phim được sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hoá và Du lịch – Cục điện ảnh Việt Nam nhân dịp tết Giáp Thìn 2024. Bộ phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân thủ đô vào cuối năm 1946, đầu năm 1947. Hiện tại, Đào, Phở và Piano đã gây sốt trong cộng đồng trong giới trẻ Việt và khiến khán giả phải “săn lùng” vé suốt những ngày qua.
Nét chấm phá lãng mạn giữa bức tranh chiến trường tàn khốc
Bên cạnh việc khai thác khía cạnh lịch sử bi tráng thì bộ phim cũng khắc họa chân thực cốt cách, phẩm chất của người Hà Nội để làm nổi bật tình yêu cái đẹp, những đam mê tao nhã và lòng yêu nước hồn nhiên của các tầng lớp người khác nhau. Trong nét tương phản của sự tàn khốc và cái ác, là hình bóng những người dân Thủ đô giản dị, yêu nước, đầy nghĩa cử, lãng mạn, mãnh liệt với tình yêu, với cuộc sống, sẵn sàng tận hiến để gìn giữ Hà Nội yêu dấu, sống chết với nghề, với niềm đam mê của riêng mình.
Câu chuyện theo chân chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và chuyện tình với nàng tiểu thư đam mê dương cầm Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh thủ vai). Họ tìm thấy nhau trên chiến lũy sau khi bị thất lạc trong cuộc chiến, khi những người khác đã di tản lên chiến khu, mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt và chỉ còn 6,7 giờ để làm đám cưới, thì họ lại quyết định cố thủ ở mảnh đất thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, để chơi cho nhau nghe bản nhạc tình yêu và tận hưởng niềm hạnh phúc của vợ chồng.
Mỗi nhân vật trong Đào, phở và Piano mang một số phận, câu chuyện riêng nhưng giữa họ luôn có một tinh thần tích cực, lạc quan giữa những bộn bề, khắc nghiệt. Đó là một ông họa sĩ già quyết bám trụ lại Thủ đô để thắp hương cho những người lính đã ngã xuống và hoàn thành tác phẩm đời mình. Một ông phán Tây học đam mê ả đào rồi cũng bị cuốn vào thực tế cuộc chiến. Một chú bé đánh giày chỉ ước ao một chiếc mũ cảm tử quân và được ăn một bát phở mỗi buổi sáng. Cùng nhau, các nhân vật đã tạo nên những nét lãng mạn giữa bom đạn chiến tranh và lòng yêu nước sục sôi trong thời điểm tăm tối nhất.
Phim trường hoành tráng, kịch bản chỉn chu
Dự án được đạo diễn và viết kịch bản bởi NSƯT Phi Tiến Sơn cùng bối cảnh tại trận chiến đông xuân kéo dài 60 ngày đêm. Ê kíp thực hiện phim “Đào, phở và piano” đã dựng một trường quay “khủng” với quy mô lớn, tái hiện một đoạn phố cổ Hà Nội với không gian sống của các nhân vật ở bối cảnh năm 1946-1947. Theo đó, đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Đội thi công phải xây nhà, sau đó làm đổ vỡ, tạo hiệu ứng cũ kỹ. Ekip cũng huy động nhiều xe tải chở đất, đá, đổ lên nền gạch.
Để mô phỏng bối cảnh chính của phim – phố Hàng Bè đổ nát ở Hà Nội, một trường quay rộng có diện tích 6.000 mét vuông, dài 120m và rộng 15m đã được xây dựng trên khu trại quân sự cũ tại Vĩnh Phúc. Với mức đầu tư xấp xỉ 5,6 tỷ đồng, bối cảnh phim được xây dựng và hoàn thành trong vòng 3 tháng, với những ngôi nhà, toa tàu và xe tăng mang phong cách Phố cổ Hà Nội những năm 1940 xuất hiện. Tại khu phố cổ Hà Nội những năm 1940, các cửa hàng tạp hóa, tiệm may, nhà hàng, thậm chí cả xe tăng, toa tàu đều được tái hiện trong phim.
Trong quá trình quay phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn sử dụng nhiều cảnh quay thật, kết hợp một số cảnh quay trên nền phông xanh (sẽ được dựng thêm hiệu ứng kỹ xảo sau đó). Các cảnh quay cháy, nổ được thực hiện theo tiêu chuẩn, có giám sát viên, đảm bảo an toàn cho cả ekip. Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định chưa bao giờ có bộ phim Việt Nam nào được chuẩn bị bối cảnh lâu và kỹ lưỡng như bộ phim này.
Để phát triển câu chuyện một cách mượt mà với nhiều phân đoạn vừa hài hước vừa giàu tính gợi, Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã xây dựng một kịch bản tròn trịa với các nhân vật được xây dựng tốt, tình tiết phát triển hợp lý giúp tổng thể từ mở đầu, diễn biến, cao trào, kết thúc đều diễn ra trọn vẹn, tạo được sự hưng phấn cho người xem. Đạo diễn đã chọn lối kể phi tuyến tính, không đi theo trình tự thời gian nhưng các tình tiết đều được sắp xếp khéo léo để tạo nên một câu chuyện mạch lạc và đầy lôi cuốn. Bộ phim bắt đầu bằng khung cảnh lãng mạn nồng nàn giữa hai nhân vật chính nhưng sau đó khán giả được chìm đắm trong cuộc xung đột tàn khốc giữa quân dân ta với giặc ngoại xâm.
Lời thoại trong phim được viết hợp lý, sâu sắc nhưng vẫn giữ được sự duyên dáng, hài hước cần thiết. Thông điệp về lòng yêu nước và yêu cái đẹp được lồng ghép khéo léo mà không hề gượng ép hay giáo điều.
Thông qua hình ảnh của Đào – biểu tượng về sự sum vầy, đoàn viên ngày Tết, Phở – nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội và Piano – biểu tượng của nghệ thuật lãng mạn, sự bay bổng, bộ phim đã khéo léo kết hợp những gần gũi, bình dị, vừa khốc liệt nhưng vừa có chất thơ nhẹ nhàng. Tất cả dường như được kết nối với nhau để tạo nên bức tranh tổng thể về những con người sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau trong thời khắc nguy hiểm nhất. Ngay cả trong khó khăn, hoạn nạn, hình ảnh người dân Thủ đô vẫn tỏa sáng hơn với vẻ đẹp giản dị, lòng yêu nước nhân hậu, lòng dũng cảm và sẵn sàng cống hiến hết mình để bảo vệ Hà Nội thân yêu, sống chết với đam mê.
Sức hút từ dàn diễn viên
Các diễn viên tham gia phim có nhiều pha hành động và thay vì sử dụng cascadeur, Doãn Quốc Đam (vai Dân) xin tự thực hiện để có thể diễn tả một cách chân thực biểu cảm cũng như “hồn” của vai diễn. Khi quay cảnh nhân vật ngã từ trên mái ngói xuống, cơ thể anh đều xước xát, có chỗ chảy máu, do gạch ngói có nhiều phần nhọn đâm vào người.
Ngoài các vai chính, nam diễn viên Xuân Hồng còn nổi lên nhờ vai đội trưởng Lực lượng Phòng vệ. Là người nghiêm túc, luôn nghĩ đến lợi ích của toàn đội, khi nhân vật Đoàn Quốc Đam chủ động thu thập đạn dược, anh đã có rất nhiều nghi ngờ và cuối cùng lựa chọn tin tưởng vào khả năng tự vệ ngoan cường của chính mình. Chia sẻ về cảnh quay mang nhiều cảm xúc, nam diễn viên chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là cảnh mình ngồi trên toa tàu, cất những kỷ vật, đồ lưu niệm của đồng đội đã hy sinh sau khi đánh bom cảm tử. Gần như tất cả mọi người đều xúc động. Chúng tôi như được sống lại thời điểm Hà Nội những ngày khói lửa, cảm nhận được sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ. Rất nhiều người khóc, tôi cũng thế. Cảnh quay đó rất thiêng liêng và rất xúc động.”
Các nhân vật phụ cũng rất thú vị, điển hình là Oraiden Manuel Sabonete (sinh viên Mozambique du học tại Đại học Bách khoa Hà Nội). Anh cho biết dù chỉ xuất hiện một thời gian ngắn nhưng anh đã làm việc ở trường quay tới 5 ngày. Anh cùng các diễn viên khác đã phải diễn đi diễn lại rất nhiều cảnh.
Tổng kết
Đào, phở và Piano là minh chứng cho thấy sự thay đổi nỗ lực đầy tích cực của các dự án điện ảnh do nhà nước đầu tư. Bộ phim đã thổi một làn gió mới về đề tài phim chiến tranh của Việt Nam và xứng đáng trở thành một hiện tượng phòng vé trong thời gian gần đây.
Biên tập: Diệu Linh
Nguồn: Tổng hợp