VietNam Event Group - VEG

Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai mạc Lễ hội Sông nước lần thứ 2

Lễ hội Sông nước TP.HCM – Chuyến tàu huyền thoại

Tổng đạo diễn: Lê Hải Yến

Creative Agency: Newday Media

Photo: Finn Studio

Lễ hội Sông nước được tổ chức tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 31/5 đến hết ngày 9/6. Sự kiện là một chuỗi hoạt động du lịch – văn hóa – giải trí – nghệ thuật – thể thao – ẩm thực – mua sắm và kết hợp với những màn biểu diễn ngoạn mục. Lễ hội được tổ chức tại nhiều địa điểm trong thành phố như Khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, Công viên Bạch Đằng, Công viên bờ sông Sài Gòn, khu vực kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, Bến Bình Đông…

Chủ đề chính của lễ hội

Năm nay, lễ hội Sông nước lần thứ 2 được tổ chức với chủ đề chính là “Chiếc tàu huyền thoại” nhằm truyền tải những câu chuyện lịch sử hào hùng từ chủ đề này. 

Trước đó lễ hội đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc và đầu tư có quy mô nhằm truyền tải thông điệp một cách hấp dẫn, thu hút, hướng đến những giá trị cao đẹp, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước. 

Bên cạnh đó, sự kiện cũng hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển của thành phố. Lễ hội đặc biệt hướng đến định vị TP.HCM gắn thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.

Màn trình diễn ánh sáng với pháo hoa rực sáng và drone show đã thắp sáng bầu trời TP.HCM trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Màn trình diễn là sự mở đầu cho chuỗi sự kiện du lịch với quy mô lớn tại TP.HCM – Lễ hội Sông Nước năm 2024.

Điểm nhấn của lễ hội năm nay

Điểm nhấn của sự kiện năm nay là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” diễn ra ngày 31/5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội – Cảng Sài Gòn. Vở nhạc kịch kể về câu chuyện về một chuyến tàu huyền thoại, lưu giữ những câu chuyện về những con người, những cuộc đời gắn bó với dòng sông. Thông qua những câu chuyện được kể lại, vở nhạc kịch mang đến những thông điệp ý nghĩa về tình người, về tinh thần đoàn kết, về sự cần thiết của niềm tin và hy vọng trong cuộc sống.

Chương trình được thực hiện bởi Newday Media cùng bàn tay tài hoa của Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng sự kết hợp của những tên tuổi hàng đầu như Đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, Giám đốc âm nhạc Nhạc sĩ Đức Trí, Tổng Biên đạo Tấn lộc. Những anh tài trong lĩnh vực sáng tạo & nghệ thuật đã cùng nhau hội tụ trong vở đại nhạc kịch trên sông “Chuyến tàu huyền thoại” để làm sống dậy hành trình của những chuyến tàu để mang đến góc nhìn lịch sử cùng những điểm chạm cảm xúc cho khán giả. 

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ “Chuyến tàu huyền thoại” ý nghĩa không chỉ ở tính sử trong câu chuyện mà ekip muốn truyền tải, chương trình còn là một sản phẩm đầy tâm huyết của những con người yêu thành phố, bất kể họ là ai và đến từ đâu. 

Đại nhạc kịch sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, quy tụ hơn 1000 diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng tham gia. Nhạc nền được sáng tác riêng cho vở nhạc kịch gồm các thể loại khác nhau từ nhạc dân gian, nhạc truyền thống đến nhạc hiện đại, kết hợp hài hòa với nội dung và cảm xúc của từng chương, giúp tăng thêm tính biểu cảm cho tác phẩm. 

Người xem sẽ được thấy lại những câu chuyện lịch sử diễn ra ngay trên dòng chảy này qua 5 chương tương ứng 5 giai đoạn lịch sử.

Chương 1 “Hạ Thủy”

Mở đầu vở nhạc kịch là hình ảnh con tàu được hạ thủy xuống bến Sài Gòn, tượng trưng cho sự khởi đầu của một hành trình mới. Khung cảnh Sài Gòn hoa lệ vào đầu thế kỷ 20 được tái hiện với những con tàu buôn tấp nập, những gánh hàng rong ven sông và những con người hối hả mưu sinh. 

Với ý nghĩa là điểm khởi đầu, là dấu mốc quan trọng đánh dấu một trang mới trong cuộc sống của người dân. Chương “Hạ Thủy” đã thể hiện niềm vui, hy vọng, sự háo hức của bà con khi con tàu được hạ thủy, mang theo giấc mơ về một tương lai tốt đẹp.

Trên nền nhạc mang giai điệu vui tươi, rộn ràng của các nhạc cụ dân tộc, mang âm hưởng của quê hương, dàn diễn viên đã thể hiện sự vui tươi, phấn khởi, tràn đầy năng lượng, tạo nên hình ảnh con tàu được hạ thủy một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cũng đầy hy vọng.

Chương 2 “Cập bến” 

Với âm nhạc và hình ảnh được thể hiện sôi động, tái hiện sự náo nhiệt và nhộn nhịp của Sài Gòn thời bấy giờ, chương này kể về những chuyến tàu đưa người dân từ khắp nơi về Sài Gòn lập nghiệp, mang theo những ước mơ và hoài bão. Với tên gọi “Cập bến”, chương này thể hiện sự bình yên, hạnh phúc khi con tàu đã hoàn thành hành trình, cập bến an toàn. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực, sự kiên trì theo đuổi ước mơ và sự đoàn kết của con người.

Hình ảnh tái hiện lại cuộc đình công của công nhân Ba Son vào tháng 8/1925, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân Việt Nam. 

Chương 3 “Ra khơi”

“Ra Khơi” – Biểu tượng cho sự tự do, sự phiêu lưu, sự tìm kiếm những điều mới mẻ và ý nghĩa hơn. Chương này thể hiện sự năng động, khát vọng vươn lên của những con người trẻ tuổi, họ muốn thoát khỏi cuộc sống bình lặng, khám phá thế giới bên ngoài. Sự mạnh mẽ, năng động, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã được khắc họa chân thực qua những nét diễn, chuyển động của các diễn viên chuyên nghiệp.

Khác với sự náo nhiệt của chương 2, âm thanh và hình ảnh của chương 3 lại được sử dụng để thể hiện sự hào hùng, tự hào và kiên cường của dân tộc Việt Nam, qua đó kể về những chuyến tàu đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ thương mại quốc tế. 

Hình ảnh lịch sử Nguyễn Tất Thành lên chuyến tàu Amiral Latouche-Tréville mang theo bao niềm khát khao tìm tự do cho dân tộc cũng được tái hiện lại một cách hào hùng. 

Chương 4 “Dậy sóng” 

Dậy sóng là biểu tượng cho những khó khăn, thử thách, nhưng cũng là cơ hội để họ rèn luyện bản lĩnh, ý chí và trưởng thành hơn. Chương này tái hiện những thăng trầm lịch sử của Sài Gòn, từ những năm tháng chiến tranh ác liệt đến thời kỳ đổi mới và phát triển bi tráng, dữ dội nhưng cũng đầy hy vọng. 

Trên nền nhạc mang giai điệu hào hùng, mạnh mẽ, kết hợp với âm thanh của bão tố, tạo nên sự kịch tính, hấp dẫn, thể hiện sự kiên cường của con người, hoạt cảnh đã tái hiện lại các trận đánh của chiến sĩ đặc công trên sông Lòng Tàu cắt ngang rừng Sác ở Cần Giờ. Hình ảnh kiên cường, mưu trí của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của giặc.

Phân đoạn chiến sĩ đặc công nước Rừng Sác chiến đấu với cá sấu và bị cá sấu ngoạm vào thân trở thành một trong những khoảnh khắc anh hùng và cảm động nhất của buổi diễn. Phân cảnh này tái hiện lại những trang hồi ký của phóng viên, nhiếp ảnh gia chiến trường Đỗ Trọng Hội. Khi ông kể lại rằng trong lúc tác nghiệp ở Rừng Sác, ông đã chứng kiến cảnh những chiến sĩ đặc công Rừng Sác bị cá sấu cắn đứt đôi người, trong giờ phút cuối cùng, chiến sĩ ấy vẫn kịp dùng dao đâm vào đỉnh đầu cá sấu, để con cá sấu này không thể hại được thêm một đồng đội nào nữa… 

Chương 5 “Vươn xa”

Vươn xa là biểu tượng cho sự lạc quan, sự tin tưởng vào tương lai, sự mong muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chương này thể hiện niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng của Sài Gòn, với những con tàu hiện đại đưa thành phố vươn xa ra thế giới. Âm nhạc và hình ảnh trong chương này thể hiện sự sôi động, trẻ trung và đầy sức sống của Sài Gòn ngày nay. 

Các diễn viên thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai bằng những động tác uyển chuyển, đầy hy vọng, tạo nên một khung cảnh tươi sáng, rạng rỡ cùng giai điệu vui tươi, rộn ràng, kết hợp với âm thanh của tiếng chim hót, tạo nên một bầu không khí ấm áp, vui tươi.

Toàn bộ các chương được kết cấu là một câu chuyện hoàn chỉnh như một bộ phim điện ảnh có chiều dài từ quá khứ đến hiện tại, về “huyền thoại” công cuộc đấu tranh giữ nước bất khuất, kiên cường, công cuộc dựng xây và phát triển của TPHCM, của dân tộc Việt Nam.

Để tạo nên một buổi trình diễn thành công và hoành tráng thì không chỉ có sự dẫn dắt của những đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo tài danh của từng mảng, chương trình còn có sự kết hợp của nhiều công nghệ hiện đại. Hệ thống ánh sáng từ đèn laser, đèn LED, đèn chiếu sáng sân khấu được sắp xếp hợp lý để tạo hiệu ứng ánh sáng động, sắc nét nhằm tôn vinh vẻ đẹp của sân khấu và những nghệ sĩ.

Công nghệ trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn drone, bắn pháo hoa,… tất cả đều được vận dụng vào từng tiết mục một cách tài tình để giúp cho buổi lễ khai mạc trở nên hoành tráng, ấn tượng và vô cùng độc đáo. 

Các hoạt động đặc sắc của lễ hội

Chương trình “Chợ nổi Miền Tây”

Với mong muốn bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương, chương trình đã tái hiện quang cảnh chợ nổi mang không khí miền Tây sông nước với gam màu tươi tắn, giản dị đặc trưng của những người con miền Tây chất phác, thật thà.

Chương trình diễn ra trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Quận 1). Những chiếc ghe thuyền mộc mạc, những sản vật đặc trưng của vùng sông nước đến những hoạt động mua bán sôi động đã tạo nên một khung cảnh sống động, thu hút du khách. Du khách có thể trải nghiệm mua trái cây trên chợ giữa dòng kênh lịch sử ở Sài Gòn. Bên cạnh đó, chương trình cũng kết hợp biểu diễn các hoạt động nghệ thuật đặc sắc, mang đến những màn trình diễn ấn tượng, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa của vùng sông nước.

Nét ẩm thực đặc trưng của người miền Tây cũng được giới thiệu để du khách có thể trải nghiệm những món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia các hoạt động tương tác như chèo thuyền, câu cá, mua sắm sản phẩm, tạo nên một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.

Hoạt động thể thao dưới nước 

Từ 5/6-6/6/2024 tại Bến Ngôi sao (Quận 7) sẽ diễn ra các hoạt động thể thao dưới nước cực kỳ hấp dẫn và năng động. Biểu diễn cano kéo cờ dưới nước, biểu diễn Slalom chuyên nghiệp, biểu diễn dù lượn trên không, flyboard và chèo SUP quanh khu vực bến Ngôi Sao. 

Các hoạt động dưới nước trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024 sẽ nhằm thúc đẩy sự quan tâm của mọi người đến với thể thao, tăng cường sự gắn kết con người, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sông ngòi kênh rạch trên địa bàn thành phố. Từ đó giúp quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, du lịch đặc trưng của TP.HCM, lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho thành phố đến du khách trong nước và quốc tế.

Không gian ẩm thực đẹp mắt

Với 24 gian hàng đa dạng món ăn đặc trưng từ Bắc, Trung, Nam cùng các món chay thanh đạm, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và khó quên. 

Khu ẩm thực ven sông: Được bố trí dọc theo bờ sông, với những gian hàng bày bán các món ăn đặc trưng của vùng sông nước miền Tây, tạo nên khung cảnh đẹp mắt và thu hút du khách. Không gian các gian hàng được bài trí mang đậm phong cách sông nước với những mái nhà tranh, những chiếc xuồng ba lá,… tạo nên cảm giác gần gũi và thân thuộc. 

Mỗi booth ẩm thực sẽ mang đến những món ăn đặc trưng của miền sông nước đến cho du khách thưởng thức đồng thời là giới thiệu nét văn hóa ẩm thực độc đáo thông qua mỗi món ăn. Ngoài ra, du khách có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa xem các chương trình ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong không khí sôi động, nhộn nhịp, tận hưởng những phút giây vui tươi của lễ hội.

Tổng kết

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 là cơ hội tuyệt vời để du khách khám phá vẻ đẹp văn hóa độc đáo, trải nghiệm cuộc sống sông nước và hòa mình vào không khí náo nhiệt của thành phố. Lễ hội là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của du lịch thành phố, là điểm nhấn thu hút du khách và góp phần khẳng định vị thế của thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ du lịch quốc tế.

Biên tập: Diệu Linh

Nguồn: Tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Vietnam Event Group (VEG) was established with the goal of creating a complete event-organizing ecosystem for customers, with a variety of events from the High-Level Conference to the entertainment, exhibition and festivals also.