Địa tầng số 0: Hành trình khám phá bề dày lịch sử – văn hoá Việt
Địa tầng số 0 trưng bày đa dạng tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam trong Bộ sưu tập The Outpost. Triển lãm tập trung vào việc phân tích bối cảnh thẩm mỹ và xây dựng tinh thần Việt Nam đương đại cũng như cảnh quan nghệ thuật gợi lên từ các tác phẩm.
Sự phân tích và xây dựng đó được thể hiện thông qua thực hành xử trí và tái cấu trúc ngôn ngữ vật chất, bằng việc đánh dấu dòng chảy bền bỉ của văn hóa và triết học dân gian Á Đông cùng những quan điểm lịch sử ẩn mật, ngoại biên.
Gây tò mò với tên gọi lấy cảm hứng từ Địa chất học
Trong Địa tầng học – một nhánh của Địa chất học, địa tầng là các lớp đá hoặc trầm tích xếp chồng lên nhau tạo thành lớp vỏ trái đất. Khi xảy ra địa chấn, các địa tầng bị biến dạng: gấp, gãy, sụp, nén, bồi tụ tạo nên diện mạo mới của mặt cắt địa tầng.
Trong khi đó, “Số 0” thể hiện tính chất kép của sự vật, là một con số có thật nhưng đồng thời lại mang ý nghĩa hư vô, trống rỗng. Tuy nhiên, sự tồn tại của “Số 0” lại là yếu tố giúp cho các số khác được biểu thị đúng giá trị của nó.
Không gian triển lãm Địa tầng số 0
Mượn ý nghĩa của “địa tầng” trong Địa chất học để tạo nên hình ảnh không gian chứa trầm tích thời gian, Địa tầng số 0 đánh dấu điểm khởi đầu, từ đó có thể lan rộng sang những địa tầng khác và bao trùm lên một cấu trúc tổng thể. Đối với triển lãm này, đội ngũ của The Outpost định vị mình trong bối cảnh nghệ thuật địa phương, bắt đầu với mong muốn khám phá và khai quật những dấu tích còn bị vùi lấp, che phủ.
Triển lãm được chia thành ba mạch chính
Nghệ thuật đương đại dưới góc nhìn của các thế hệ nghệ sĩ Việt
Địa tầng số 0 là buổi triển lãm nhóm quy tụ 12 nghệ sĩ Việt Nam đến từ nhiều thế hệ khác nhau gồm: Điềm Phùng Thị, Võ An Khánh, Nguyễn Huy An, Hoàng Dương Cầm, Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Thị Thanh Mai, Phạm Trần Việt Nam, Phan Thảo Nguyên, Phi Phi Oanh, Hà Mạnh Thắng, Trần Tuấn và Trương Công Tùng.
Ngoài sự góp mặt của những nghệ sĩ trẻ tuổi như Phan Thảo Nguyên, triển lãm còn trưng bày tác phẩm của các cố nghệ sĩ nổi danh nghệ thuật Việt Nam là điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và nhiếp ảnh gia Võ An Khánh. Những tài năng trẻ tiếp bước các nghệ sĩ cố cựu đã khởi xướng một cuộc đối thoại đầy ý nghĩa giữa các thế hệ khác nhau, từ đó “tô điểm” thêm cho bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam bằng những “mảng màu” mới lạ, độc đáo.
Triển lãm trưng bày tác phẩm của Điềm Phùng Thị – một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới
Các hình ảnh thời chiến của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh tại triển lãm
Mở đầu bằng việc nhìn nhận “Cơ thể như một quang cảnh”
Khu vực đầu tiên của triển lãm: “Cơ thể như một quang cảnh”, tuy không trực tiếp thể hiện nhưng vẫn lột tả một cách hiệu quả hình hài, cơ thể con người. Qua đó, các nghệ sĩ ngầm truyền tải ý nghĩa về quang cảnh xã hội, về việc xác định lại các giới hạn bên trong và bên ngoài hình thức vật chất.
Triển lãm bắt đầu với khu vực “Cơ thể như một quang cảnh”
Người xem bắt gặp hai chiếc mỏ vịt phụ khoa được đính cườm và nằm chễm chệ trên bục tựa như món trang sức quý giá. Đây là tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Thị Thanh Mai mang tên gọi “Bên ngoài” – trái ngược hoàn toàn với chức năng y khoa của dụng cụ mà cô sử dụng để trưng bày. Là một loại y cụ dùng để quan sát cơ thể bên trong của người phụ nữ, qua hướng khai thác “chịu chơi” của tác giả, tác phẩm đã xóa nhòa ranh giới giữa bên trong và bên ngoài cơ thể phụ nữ, hàm chứa sức nặng vật lý và tâm lý.
Tác phẩm “Bên ngoài” của Nguyễn Thị Thanh Mai
Chuỗi tác phẩm điêu khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang dẫn người xem vào một thế giới nội tâm, được trình bày thông qua dấu ấn sâu sắc của cơ thể người nghệ sĩ trên bề mặt tác phẩm của cô. Ba bức chân dung riêng biệt, mỗi bức tượng trưng cho một khía cạnh của bản thân Quỳnh Giang, đối diện với khán giả bằng những ánh nhìn xuyên thấu, gợi lên sự thờ ơ xen lẫn đau khổ của một quá trình tự vấn.
Chuỗi điêu khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang
Bước vào khoảng không gian tối và im lặng, người xem dường như choáng ngợp bởi cuộn tranh sơn dầu trên toan dài 17m của Phạm Trần Việt Nam. Với tên gọi lấy cảm hứng từ tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du – “Văn tế thập loại chúng sinh” tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng, khiến ta như lặng đi trước hình ảnh những linh hồn u uất, quằn quại giữa sự sống và cái chết, giữa ngục tù và giải thoát. Thể hiện gần như trọn vẹn tư tưởng từ áng văn chiêu hồn bất hủ của Nguyễn Du, nghệ sĩ Việt Nam sử dụng hoà sắc và hình ảnh mang hơi hướng kỳ bí và có phần ám ảnh. Tác phẩm giúp ta chiêm nghiệm về những số phận bất hạnh, không chốn nương thân, cùng hành trình “chuyển tiếp cõi hư vô trở lại hình hài.”
Tác phẩm khổ lớn “Văn tế thập loại chúng sinh” của Phạm Trần Việt Nam
Tác phẩm ấn tượng ở cách diễn đạt vòm, tạo hiệu ứng u uất, nặng nề
Tìm hiểu về “Tính thiêng của vật chất”
Trong phần thứ hai của triển lãm mang tên “Tính thiêng của vật chất”, các tác phẩm đi sâu vào sự tích lũy tính thiêng liêng trong các chất liệu khác nhau, đồng thời khám phá sự truyền tải các giá trị tinh thần và văn hóa Á Đông. Những tác phẩm này sử dụng sự kết hợp giữa sơn mài, giấy, mực và vật liệu hữu cơ, tương tác khéo léo với môi trường tự nhiên. Thông qua cách thể hiện nghệ thuật, các tác giả hùng hồn thuật lại câu chuyện hấp dẫn về các “hiện vật” lịch sử và vùng đất nơi chúng ra đời.
Khu vực thứ hai của triển lãm có tựa đề “Tính thiêng của vật chất”
Ánh mắt của chúng ta gần như bị hút vào sắp đặt “Ụ đất tha hương” của Trương Công Tùng, với sự bày biện những cục đất nung cứng được sơn nhũ vàng. Đây là những thỏi đất được chính tác giả mang về từ một miền tha hương xa xôi, kể về sự tích dân gian của người Tây Nguyên – nơi có người từng nhỏ máu và nước mắt. Khi ngắm nhìn thật kỹ tác phẩm, người xem chợt rùng mình vì những cục đất tựa như vàng thỏi hoá ra trông giống những thớ thịt ngổn ngang. Tác giả gợi ra câu chuyện về một cơ thể được làm từ đất, bụi, tro,…bị phân chia thành 24 mảnh linh hồn. Thông qua tác phẩm, người xem phần nào cảm nhận được nguồn linh khí mạnh mẽ cùng nỗi niềm day dứt của người xa xứ.
Tác phẩm “Ụ đất tha hương” của Trương Công Tùng
Đến với “Hộp đen” của Phi Phi Oanh, người xem được dịp nhìn thấy những ký ức thường nhật của Hà Nội thông qua nghệ thuật sơn mài truyền thống. Bốn chiếc hộp đen tái hiện lại khung cảnh quen thuộc, là cuộc dạo chơi ở miền ký ức của nữ nghệ sĩ với những hình ảnh lặp đi lặp lại, nhưng lại chứa đựng những kỷ vật giá trị của quá khứ và hiện tại. Chính những mảnh ký ức đơn lẻ ấy đã kết hợp lại với nhau để tạo nên bức tranh tổng thể của một nền văn hoá, một trải nghiệm, một quãng đời đã qua.
“Hộp đen” của Phi Phi Oanh được làm từ chất liệu sơn mài
Tiếp cận lịch sử vi mô thông qua “Một lịch sử ẩn mật”
Chặng cuối của triển lãm mang tựa đề “Một lịch sử ẩn mật”, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật làm sáng tỏ chiều sâu lịch sử gia đình và ký ức cá nhân. Đây là những mảnh “vi sử” (micro-history), đã và đang tồn tại song song với lịch sử cộng đồng và ký ức tập thể.
“Một lịch sử ẩn mật” là chặng cuối cùng của triển lãm
Từng lát cắt về đời sống chiến khu miền Tây Nam Bộ được hé lộ qua các bức ảnh ghi lại thời kỳ kháng chiến của đại thụ nhiếp ảnh Võ An Khánh. Những bức ảnh tư liệu này giờ đây trở thành kỷ vật quý giá, giúp cho thế hệ sau hình dung rõ hơn về đời sống của các trạm quân y, đoàn văn nghệ vùng châu thổ Cửu Long.
Tác phẩm “Đoàn ca múa khu Tây Nam Bộ đang luyện tập” của Võ An Khánh
Bên cạnh đó, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không – một trong những sự kiện lịch sử quan trọng của nước nhà, cũng được tái hiện lại qua các khối mẫu tự màu đất trên giấy. Đó chính là tác phẩm “B52 dưới trời Việt Nam” của điêu khắc gia lừng danh Điềm Phùng Thị, gợi tả ký ức xót xa, tang thương của thời chiến. Từ đây, người trẻ sẽ hiểu và cảm nhận rõ rệt những biến động lịch sử đầy ác liệt, thảm khốc mà thế hệ trước đã từng trải qua.
Tác phẩm “B52 dưới trời Việt Nam” của Điềm Phùng Thị
Triển lãm khép lại với tác phẩm hình ảnh động hai kênh “Giấc trưa nhiệt đới” của Phan Thảo Nguyên, lấy cảm hứng từ cuộc viễn du ở xứ Đông Dương của nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes. Nữ nghệ sĩ đã sáng tạo nên một câu chuyện về một Việt Nam chỉ có trẻ con sinh sống. Tác phẩm hiện lên như một giấc mơ trưa huyền ảo, kể lại từng phần trong cuốn sách du hành của Alexandre de Rhodes qua con mắt vô tư của trẻ thơ. Những xung đột lịch sử, tàn dư thuộc địa đối lập với nét ngây thơ, hồn nhiên của các diễn viên trẻ đã tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ của tác phẩm.
Tác phẩm sắp đặt video “Giấc trưa nhiệt đới” của Phan Thảo Nguyên
Chủ đề chiến tranh và lịch sử “gai góc” được thể hiện qua các loại hình thức nghệ thuật
Không thể phủ nhận dân tộc Việt Nam đã từng trải qua quá khứ đầy đau thương, với hình ảnh “bom rơi đạn lạc” vẫn còn hằn sâu trong ký ức biết bao con người. Và tại buổi triển lãm Địa tầng số 0, ngoài những cố nghệ sĩ đã từng trải qua thời kỳ kháng chiến, vẫn có những gương mặt trẻ tuổi chọn chủ đề lịch sử – chiến tranh để thể hiện góc nhìn nghệ thuật của họ.
Du khách nước ngoài chiêm ngưỡng các tác phẩm về chủ đề chiến tranh Việt Nam
Những nghệ sĩ trẻ không né tránh quá khứ có phần tăm tối, đau buồn; ngược lại, họ còn sáng tạo và truyền tải những câu chuyện “tưởng chừng đã cũ” với nhiều màu sắc mới lạ, độc đáo, mang đậm cá tính riêng. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, phát triển nghệ thuật dựa trên sự tích lũy và hội nhập tri thức, nhằm thiết lập mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Thông qua các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, người xem được quay ngược thời gian, khám phá bề dày lịch sử đất nước cũng như hiểu rõ hơn về nguồn gốc và bản sắc dân tộc Việt.
Thế hệ trẻ tiếp nối các đại thụ đi trước để phát triển nền nghệ thuật nước nhà
Địa tầng số 0 là một chuyến du hành lội ngược dòng lịch sử, là dịp để nhìn ngắm và chiêm nghiệm những “cổ vật” không toàn vẹn, còn bám bụi và vương màu thời gian. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, dẫu thời cuộc có thay đổi, những kỷ vật giá trị ấy mãi là những minh chứng sâu sắc cho nền lịch sử – văn hoá Việt Nam.
Triển lãm Địa tầng số 0 diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Roman Plaza (Tháp B1 – Tầng 2), Tố Hữu, Hà Nội, từ 12/09 đến hết 03/12/2023. Đây chắc chắn là một trải nghiệm không thể bỏ qua đối với những tâm hồn yêu thích nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Biên tập: Quỳnh Hương
Nguồn: Tổng hợp