VietNam Event Group - VEG

Khám phá công nghệ đằng sau những chiếc vòng tay LED tại các sự kiện

Vòng đeo tay LED hiện là một tính năng phổ biến của các buổi hòa nhạc và sự kiện quy mô lớn, với nhiều khả năng và triển khai kỹ thuật khác nhau. Đây được xem như một phụ kiện không thể thiếu để góp phần tạo nên những màn trình diễn ánh sáng choáng ngợp. Hãy cùng Stage!Vietnam khám phá cách những chiếc vòng tay LED hoạt động trong bài viết dưới đây nhé!

Khám phá công nghệ Pixmob

Vòng tay LED từ lâu đã trở thành vật không thể thiếu tại các buổi hòa nhạc lớn của các nghệ sĩ tiêu biểu như ColdPlay, Lady Gaga và gần đây nhất là The Eras Tour của Taylor Swift. Tại tour diễn, bên cạnh các công nghệ hiện đại về âm thanh, ánh sáng, điều mà người hâm mộ Taylor Swift chắc chắn sẽ không khỏi thích thú khi nhớ lại đó là hình ảnh hai con rắn ánh sáng khổng lồ lướt qua các khán đài khi bài hát “Look what you made me do” vang lên. Hiệu ứng bắt mắt đó càng khiến nhiều người tò mò hơn về sự kỳ diệu đằng sau chiếc vòng tay nhỏ bé này.

Trên thực tế, công nghệ điều khiển ánh sáng trên chiếc vòng tay không hề phức tạp như mọi người nghĩ. Ông Vincent Leclerc, đồng sáng lập và CEO của PixMob, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal: “Thật thú vị khi mọi người nghĩ rằng chắc phải có GPS hoặc những công nghệ hiện đại như AI trong mỗi chiếc vòng đeo tay. Nhưng thật ra, chúng tôi thích sáng tạo dựa trên những công nghệ cổ điển hơn”

PixMob là một công nghệ chiếu sáng không dây mà điều khiển các thiết bị LED có thể đeo được: bằng cách sử dụng các vật đeo như các pixel (các đèn LED), chính khán giả của sự kiện có thể trở thành màn hình hiển thị. Hiệu ứng ánh sáng được tạo ra bởi các thiết bị LED này có thể được điều khiển để phù hợp với một buổi biểu diễn ánh sáng, đập đều theo nhạc, phản ứng với chuyển động của cơ thể. 

Cụ thể, đại diện công ty chiếu sáng sự kiện PixMob chia sẻ, có 3 kỹ thuật quen thuộc khi điều khiển đèn trên sàn đấu.

Công nghệ tần số vô tuyến (Radio Frequency)

Với công nghệ này, mỗi vòng đeo tay đều được trang bị bộ thu tín hiệu và một máy tính nhỏ bên trong để xử lý tín hiệu. Sau đó, khi nhận được tín hiệu vô tuyến, bộ xử lý sẽ chuyển đổi nó thành thông tin về thời gian và màu sắc ánh sáng mà các vòng đeo tay cần phát ra. 

Dựa trên nguyên tắc này, “người chỉ huy” trong phòng điều khiển sự kiện có thể xây dựng kịch bản ánh sáng phù hợp với buổi biểu diễn. Cụ thể, khán giả tại mỗi khu vực gian hàng sẽ được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm sẽ “trình diễn” một màu đèn khác nhau, và khi người điều khiển kích hoạt các hiệu ứng này, đèn sẽ tỏa sáng đồng bộ theo nhóm đã sắp xếp. 

Vào các thời điểm cao trào của buổi diễn thì người điều khiển có thể hoàn toàn “chơi đùa” với ánh sáng một cách ngẫu hứng. Chỉ khi khán giả ngồi một khu vực trên khán đài và không đổi chỗ ngồi thì công nghệ này sẽ hoạt động hiệu quả nhất.

Công nghệ tia hồng ngoại (Infrared)

Tia hồng ngoại là một công nghệ lâu đời hoạt động trên cơ chế tương tự như điều khiển từ xa của TV. Cụ thể, công nghệ sẽ phát tín hiệu hồng ngoại đến vòng đeo tay thông qua các thiết bị phát robot được đặt ở nhiều khu vực khác nhau xung quanh khán đài như cột âm thanh hay thậm chí trên sân khấu. 

Khi các vòng tay (tạm gọi là pixel) được chiếu sáng bằng ánh sáng hồng ngoại từ máy phát, các pixel đồng thời phát ra màu tương ứng với tín hiệu nhận được. Miễn là nằm trong phạm vi hồng ngoại, các pixel sẽ phát sáng hoặc thay đổi màu sắc dựa trên tín hiệu hồng ngoại. 

“Các nhà ảo thuật ánh sáng” sử dụng cơ chế này để tạo ra nhiều hình dạng ánh sáng, chẳng hạn như trái tim. Bằng cách đặt một lớp kim loại thành hình dạng mong muốn rồi chiếu ánh sáng hồng ngoại lên lớp kim loại đó, bộ điều khiển ánh sáng chủ động có thể tạo ra nhiều hiệu ứng “đa dạng” trên khắp khán đài.

Công nghệ Bluetooth (Bluetooth)

Công nghệ Bluetooth gắn liền với văn hóa K-pop, vì nó thường được sử dụng làm lightstick phát sáng cho người hâm mộ khi tham dự các buổi biểu diễn. Các lightstick này sẽ không phát miễn phí cho người hâm mộ mà họ phải bỏ tiền túi để có thể sở hữu những chiếc lightstick của idol. Cụ thể khi trước sử dụng lightstick, người hâm mộ sẽ tải xuống một ứng dụng và cung cấp thông tin chỗ ngồi cụ thể của họ trong sự kiện. Sau đó, lightstick sẽ kết nối Bluetooth với thiết bị của từng khán giả, nghĩa là mỗi khán giả có một “địa chỉ riêng” trong suốt chương trình. 

Kết quả là, người điều khiển ánh sáng có thể xác định vị trí của từng lightstick và tạo ra các hiệu ứng phức tạp và chi tiết, chẳng hạn như tạo thành các chữ cái hoặc các dải ánh sáng liền kề nhau.

Tổng kết

Có thể thấy các công nghệ được sử dụng tuy không quá xa lạ nhưng các chuyên gia tổ chức sự kiện đã vận dụng một cách sáng tạo để tạo nên hiệu ứng thị giác bùng nổ cho mỗi buổi diễn. Khi những chiếc vòng LED hay lightstick trên tay sáng lên, khán giả dường như sẽ trở thành một phần của buổi biểu diễn và hòa nhịp cùng thần tượng của mình dù cho ngồi gần hay xa sân khấu.

Biên tập: Diệu Linh

Nguồn: Brands Vietnam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Vietnam Event Group (VEG) was established with the goal of creating a complete event-organizing ecosystem for customers, with a variety of events from the High-Level Conference to the entertainment, exhibition and festivals also.