VietNam Event Group - VEG

Sốc nhiệt và những điều cần lưu ý khi tổ chức giải chạy vào mùa hè

Nguồn: Backstage.vn

Mùa hè đang ở giai đoạn nóng nhất khi nhiều tuần qua mức nhiệt luôn xấp xỉ 40 độ C và có những ngày lên tới 60 độ. Bên cạnh đó, ngành sự kiện cũng đang trở lại sôi động sau ảnh hưởng dịch covid-19 với nhiều giải chạy từ bán chuyên đến chuyên nghiệp. Các nhà tổ chức cần phải lưu ý đến một vài vấn đề để đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên tham gia, trong đó đặc biệt là sốc nhiệt.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều khu vực trên cả nước đang hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp. Tại miền Bắc, nền nhiệt lên tới trên dưới 40 độ C, trong khi tại miền Trung cũng không hề kém cạnh. Đây đang là thời điểm “nóng” mà hầu hết những nhà tổ chức sự kiện thể thao, giải chạy đều tránh để đảm bảo an toàn cho VĐV.

Tuy nhiên, với tình thế xoay chuyển hoàn toàn do dịch COVID-19, nhiều giải chạy/sự kiện thể thao vẫn phải tổ chức vào mùa hè. Nguy cơ các vận động viên bị sốc nhiệt là không tránh khỏi, vậy nên BTC phải tăng cường việc tập huấn, chia sẻ thông tin an toàn cho vận động viên . Bên cạnh đó phải bổ sung các biện pháp y tế phù hợp để cấp cứu kịp thời khi có vận động viên bị sốc nhiệt.

Vậy sốc nhiệt là gì?

Đó là thuật ngữ mà dân gian thường gọi bằng những từ dân dã như: say nắng, say nóng. Sốc nhiệt là hình thức tổn thương cao nhất do nhiệt. Nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn là kiệt sức do nhiệt và nặng nhất là sốc nhiệt.

Định nghĩa về sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm theo có rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Nhẹ sẽ mất định hướng, rối loạn tri giác, nặng thì hôn mê. Thống kê cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.

Sốc nhiệt được chia ra làm 2 loại

  • Sốc nhiệt không do gắng sức (sốc nhiệt kinh điển):

Thường xảy ra sau tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm, đặc biệt là trong thời gian dài, ví dụ hai hoặc ba ngày. Thường gặp nhất ở người cao tuổi, trẻ em, và những người có bệnh lý mãn tính.

  • Sốc nhiệt do gắng sức (Exertional Heat Stroke, viết tắt EHS):

Gây ra bởi tăng nhiệt độ cơ thể liên quan tới hoạt động thể lực với cường độ cao trong thời tiết nóng. Bất cứ ai luyện tập hoặc làm việc trong thời tiết nóng đều có thể bị sốc nhiệt do gắng sức, ngay cả với các VĐV chuyên nghiệp, vẫn có khả năng xảy ra tình trạng này.

Đơn cử tại Giải điền kinh Cúp Tốc độ Thống Nhất hôm 12/6/2020 tại sân Thống Nhất (TP.HCM) vừa qua, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Huyền đã ngất xỉu, phải nhờ đến sự trợ giúp của y tế sau khi thi đấu xong nội dung 400m rào. Ở thời điểm đó, Huyền đã bị sốt, ngay từ khi bắt đầu di chuyển từ Hà Nội vào thi đấu. Thể trạng yếu hơn so với ngày thường, thi đấu dưới nắng nóng vào buổi chiều đã khiến một VĐV chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Huyền phải lả đi.

Tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền ngất xỉu tại Cúp Tốc độ 2020 do thi đấu quá sức dưới nắng nóng – Ảnh: Đào Tùng

Triệu chứng của sốc nhiệt

  • Nhiệt độ trung tâm

Lưu ý rằng không có thiết bị đo nhiệt ngoài cơ thể nào hiện nay được chứng minh có thể đo chính xác nhiệt độ trung tâm của vận động viên vận động trong trời nóng và đang bị tăng thân nhiệt. Các thiết bị đo nhiệt ngoài cơ thể, bao gồm đo qua đường miệng, màng nhĩ, thái dương, miếng dán trên trán, nách, không thể dùng để chẩn đoán EHS. Loại nhiệt kế chính xác nhất trong trường hợp này là loại nhiệt kế đo qua đường hậu môn để đo nhiệt độ trực tràng.

  • Rối loạn chức năng thần kinh trung ương

Rối loạn chức năng thần kinh trung ương có thể biểu hiện ở nhiều mức độ, bao gồm: mất định hướng, đau đầu, hành vi không thích hợp, kích thích, cảm xúc không ổn định, lẫn lộn, thay đổi nhận thức, hôn mê hoặc co giật…

Một quan niệm sai lầm là VĐV bệnh nhân bị sốc nhiệt vẫn tỉnh táo thì nghĩa là mọi việc vẫn ổn. Rất nhiều VĐV sắp rơi vào tình trạng EHS ban đầu vẫn có vẻ tỉnh táo, nhưng thực ra lại sắp tiến triển thành bệnh trạng nặng hơn. Quá trình bệnh khởi phát mà thần kinh vẫn đang tỉnh táo này có thể làm cho các nhân viên y tế đánh giá sai tình hình và làm cho chẩn đoán trở nên không rõ ràng hoặc bị chậm trễ. Giai đoạn minh mẫn này (gọi là khoảng tỉnh) thường trùng khớp với một tình trạng rối loạn chức năng nhỏ trong hệ thần kinh trung ương rất khó nhận ra.

  • Các tổn thương khác

Các biểu hiện lâm sàng khác rất đa dạng. Đa số VĐV có nhịp tim nhanh và tụt huyết áp. Ngoài ra có thể có nhịp thở nhanh, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, yếu chân tay, vã mồ hôi như tắm, mất nước, khô miệng, khát, chuột rút, mất chức năng của cơ, lảo đảo mất thăng bằng. Một số tài liệu mô tả các vận động viên sẽ ngừng ra mồ hôi khi họ bắt đầu bị sốc EHS. Điều này là không chính xác. Vì EHS xảy ra trong khi đang tập cường độ cao trong trời nóng, các vận động viên hầu hết đều tiếp tục ra mồ hôi ồ ạt khi quỵ ngã. Quan niệm phổ biến nhưng hoàn toàn sai lầm này về EHS có thể làm chậm việc chẩn đoán phát hiện ra bệnh và làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh.

Thi đấu quá sức dưới trời nắng có thể dẫn đến sốc nhiệt – Ảnh minh họa
  • Biến chứng của sốc nhiệt do gắng sức

EHS có thể dẫn tới một số biến chứng trong quá trình hồi sức và nằm viện sau đó như: Rối loạn điện giải và chuyển hoá, co giật, mê sảng kích thích, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp, tiêu cơ vân, tổn thương thận cấp (thường đi kèm với tiêu cơ vân), tổn thương gan, đông máu nội mạch rải rác (DIC), xuất huyết tiêu hoá và tổn thương ruột do thiếu máu, tổn thương cơ tim, rối loạn nhịp tim…

Nguy cơ suy đa phủ tạng và tử vong do EHS phụ thuộc và mức độ khẩn trương của việc chẩn đoán và làm mát. Nếu điều trị sớm, tổn thương tim mạch do EHS thường phục hồi trong vòng vài giờ. Các chỉ số sinh học của tổn thương gan (ví dụ, tăng men gan) có thể tăng cao trong 24 đến 48 giờ trước khi giảm về bình thường, và có thể cần đến vài tuần hoặc tháng tuỳ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tổn thương thận có thể mất đến vài tuần để hồi phục. Các chỉ số tổn thương cơ đi kèm với tiêu cơ vân (creatine kinase, myoglobin) có thể tăng trong vòng 24 đến 96 giờ trước khi bắt đầu giảm, và có thể mất vài tuần để trở về nồng độ bình thường, phụ thuộc vào độ nặng của tổn thương

Xử trí sốc nhiệt do gắng sức

Hai nguyên tắc cơ bản của xử trí sốc nhiệt do gắng sức là:

  1. Mức độ nghiêm trọng của sốc nhiệt có thể không rõ ràng tại thời điểm ban đầu
  2. Tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong liên quan trực tiếp tới khoảng thời gian nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao.

Vì thế, xử trí sốc nhiệt tốt bao gồm cả xử trí tại hiện trường lẫn điều trị trong bệnh viện, trong đó hạ nhiệt nhanh là tối quan trọng. Nếu không xử trí kịp thời, sốc nhiệt có thể dẫn tới các biến chứng nặng như tiêu cơ vân, suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu nội mạch rải rác. Ngay cả với những VĐV chưa có tổn thương cơ quan đích (hệ thần kinh trung ương, gan, thận,…), thân nhiệt trung tâm tăng cao > 40ºC cũng là một dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý và cần xử trí kịp thời.

  • Đánh giá nhanh tại hiện trường:

Biện pháp đầu tiên là đánh giá và kiểm soát đường thở, nhịp thở, tuần hoàn (bắt mạch, đo nhịp tim).

  • Đánh giá toàn trạng và ý thức của VĐV:

Đo các dấu hiệu sinh tồn gồm mạch, huyết áp, và nhiệt độ ở trực tràng. Chỉ có nhiệt độ trực tràng mới phản ánh trung thành nhiệt độ trung tâm cơ thể. Chẩn đoán sốc nhiệt khi nhiệt độ trung tâm cơ thể cao ≥ 40°C trong hoàn cảnh có rối loạn ý thức, tri giác. Lúc này, người bệnh cần phải được hạ nhiệt gấp.

Nếu nhân viên y tế có mặt tại chỗ, có sẵn các thiết bị cần thiết để hạ nhiệt tích cực (như bể nước đá, khăn lạnh, xô nước lạnh) và không cần phải điều trị cấp cứu nào khác ngoài việc hạ thân nhiệt gấp, tốt nhất là nên theo nguyên tắc “hạ nhiệt trước, vận chuyển sau”. Khi đã hạ nhiệt đến nhiệt độ hợp lý (38,9°C), bệnh nhân được chuyển gấp tới cơ sở cấp cứu gần nhất.

Nếu không đủ điều kiện hạ nhiệt tại chỗ, đặc biệt là nếu bệnh nhân có các vấn đề khác (như co giật) yêu cầu can thiệp y tế, bệnh nhân cần được chuyển ngay lập tức tới cơ sở cấp cứu gần nhất. Việc hạ nhiệt có thể được thực hiện trong khi vận chuyển với cách hạ nhiệt hiệu quả nhất có thể.

  • Biện pháp làm mát:

Hạ nhiệt gấp là chiến lược hiệu quả nhất để cải thiện thương tật và tỷ lệ tử vong do sốc nhiệt. Cần tiến hành hạ nhiệt ngay khi có thể và trong vòng 30 phút từ khi có biểu hiện triệu chứng. Các bước chính bao gồm:

+ Kích hoạt hệ thống cấp cứu ngay lập tức. Gọi nhân viên y tế, gọi 115. Nếu nhân viên y tế có mặt tại chỗ và không có tình trạng cấp cứu y tế nào khác ngoài sốc nhiệt, hạ nhiệt trước rồi mới vận chuyển bất kỳ khi nào có thể.

+ Tháo bỏ tất cả các thiết bị trên người VĐV, cởi hoặc nới lỏng quần áo (để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn)

+ Đưa VĐV tới chỗ có bóng râm. Có thể đưa vào phòng điều hoà nhiệt độ

+ Ngâm VĐV vào bể nước đá để hạ nhiệt khẩn cấp

+ Ngâm VĐV trong bể nước đá là biện pháp hạ nhiệt nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nếu có sẵn bể nước đá, ngâm vận động viên trong bồn nước đá (càng lạnh càng tốt); nhiệt độ nước cần từ 2°C đến 15°C.

+ Đổ nước và đá lạnh lên đến lưng bồn tắm hoặc bể vầy. Đá lạnh nên đủ nhiều để luôn luôn phủ kín được toàn bộ bề mặt mặt nước.

+ Đặt VĐV vào bồn nước đá. Phủ cơ thể bằng nước đá càng kín càng tốt. Nếu việc phủ kín toàn thân không thể thực hiện được, thì ưu tiên phủ phần thân người càng nhiều càng tốt (trừ đầu và chân tay).

Chú ý giữ phần đầu và cổ vận động viên trên mặt nước. Một hoặc hai người hỗ trợ có thể thực hiện việc này bằng cách luồn khăn hoặc vải dài dưới nách và quanh trước ngực người bệnh để giữ.

Các phương án BTC cần thực hiện để giúp các vận động viên phòng tránh sốc nhiệt và hạn chế tối đa các rủi ro

  • Bố trí thùng nước sạch loại 220 lít (thùng phuy)kèm theo gáo phân bố ở mọi điểm trên đường đua, ở những điểm nóng nhất cần được bố trí nhiều hơn để runner có thể làm mát.
Các thùng nước sạch hỗ trợ vận động viên làm mát được bố trí trên đường chạy
  • Bố trí thêm các miếng mút lạnh tại các điểm trạmđể VĐV có thể dùng mút lạnh xoa lên đầu, mặt hoặc thân người. Khi đến điểm nước – điện giải tiếp theo, runner sẽ để tấm mút đã sử dụng đó lại thùng ngâm lạnh và có thể dùng những tấm mút được làm lạnh sẵn để làm mát cho chặng đường phía trước.
Trong các thùng nước có miếng mút lạnh giúp các vận động viên làm mát
  • Trạm phun mưa giúp runner làm mát trong khi chạy
  • Trạm tiếp nước điện giải, bánh dinh dưỡng, chuối cho các vđv bổ sung năng lượng.
  • Đôi ngũ TNV và Y tá luôn túc trực sẵn sàng sơ cứu VĐV
  • Bố trí flycam trên cung đường chạy ngoài việc cập nhật & ghi nhận những khoảnh khắc của VĐV thì flycam còn hỗ trợ phát hiện nhanh nhất những sự cố trên đường chạy để BTC xử lý kịp thời.
Flycam từ trên cao giúp BTC nhanh chóng phát hiện các sự cố trên đường chạy
  • Chuẩn bị bể ngâm lạnh cho các vận động viên sau khi chạy để làm mát cơ thể
Ưu tiên ''làm mát trước, vận chuyển sau''

Trên đây là những chia sẻ về Sốc nhiệt và các phương án phổ biến phòng tránh rủi ro để các bạn lưu ý bổ sung vào checklist khi tổ chức giải chạy, đặc biệt là các giải chạy marathon vào mùa hè. Chúc sự kiện của các bạn diễn ra thành công tốt đẹp!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Vietnam Event Group (VEG) was established with the goal of creating a complete event-organizing ecosystem for customers, with a variety of events from the High-Level Conference to the entertainment, exhibition and festivals also.